Từ giữa tháng 4 đến nay, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh liên tục nhận được báo cáo trường hợp sốt phát ban và sởi của các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam, tập trung chủ yếu tại các khu vực di biến động dân cư cao, mật độ dân số lớn, ở các đối tượng chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi và đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, bệnh có tính lây truyền cao, có khả năng gây dịch lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh sởi lưu hành trong cả nước và thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng người bệnh. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có khả năng mắc bệnh.
Để chủ động phòng bệnh sởi, Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt những biện pháp sau:
- Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Hình ảnh minh họa: